1. Thời điểm trẻ phát triển tính tự lập
Trẻ bắt đầu có khả năng tự làm một số việc cho riêng mình vào một thời điểm nào đó sau 1 tuổi. Mỗi trẻ đều phát triển theo tốc độ của riêng mình nhưng thường tính cách độc lập của trẻ sẽ thể hiện rõ hơn sau 18 tháng tuổi.
- Khoảng 8 tháng tuổi: Trẻ bắt đầu hiểu các đồ vật liên quan với nhau như thế nào và có thể sử dụng chúng cho đúng chức năng như dùng lược để chải tóc, dùng thìa để xúc…
- 11 tháng tuổi: Trẻ sẽ bắt đầu chìa cánh tay hoặc chân ra khi người lớn mặc quần áo cho.
- 18 tháng tuổi: Trẻ sẽ thực sự bắt đầu phát triển ý thức về bản thân, có khả năng nhận ra mình trong gương và sẽ không còn đưa tay ra cố chạm vào hình ảnh của mình trong gương nữa.
- 24 tháng tuổi: Trẻ sẽ cầm nắm đồ vật một cách chắc chắn. Sau giai đoạn này, trẻ có thể sẽ trải qua giai đoạn nói “không” với rất nhiều thứ, đây cũng là cách trẻ khẳng định sự độc lập của mình.
Nguồn tham khảo: Dạy trẻ tự lập từ nhỏ | Vinmec
2. Nắm vững 3 nguyên tắc “vàng” khi dạy trẻ tự lập
Theo các chuyên gia giáo dục, trẻ tự lập là khi biết chủ động chăm sóc bản thân, tự làm chủ mọi hành vi và chịu trách nhiệm với các quyết định.
Tuy nhiên, phụ huynh cần hiểu và phân định rõ giữa việc dạy con các kỹ năng tự lập với việc để con tự xử lý các vấn đề mà không có sự hỗ trợ của người lớn như: khi ngã tự đứng lên, tự nín khóc,v.v. Đây là một quá trình trẻ cần được trải nghiệm, tạo dựng các kỹ năng và cần được người lớn hướng dẫn cũng như củng cố niềm tin cho trẻ có thể tự làm các việc trong khả năng của mình.
Vì vậy, phụ huynh cần nắm vững 3 nguyên tắc sau đây:
- Kiên nhẫn: Vì đây là hành trình dài cần rất nhiều thời gian để giúp trẻ hình thành thói quen tự lập, phụ huynh cần kiên nhẫn và thống nhất về cách giáo dục trẻ trong gia đình, không nên vì sốt ruột mà làm hộ. Cha mẹ nên kiên nhẫn chỉ bảo từ từ, nhẹ nhàng để trẻ tự giác thực hiện, từ đó hình thành các thói quen, ý thức cho trẻ một cách tự nhiên và chủ động, thay vì chỉ thực hiện áp lực đến từ người lớn.
- Tạo môi trường để trẻ phát triển: Phụ huynh nên tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để con tự rèn luyện kỹ năng tự lập một cách dễ dàng. Ví dụ như sắp xếp các vật dụng cá nhân của trẻ ở những nơi thấp, gọn gàng trẻ tự lấy và thực hiện mà không gặp khó khăn.
- Làm gương cho con: Trẻ có đặc điểm hay bắt chước người lớn, phụ huynh nên thực hiện các hành động như bỏ rác đúng nơi quy định, lau bàn khi đổ nước, cho quần áo bẩn vào máy giặt, dọn đồ sau khi bày ra nhà,… đồng thời hướng dẫn, thuyết minh khi làm để trẻ quan sát và thực hiện theo.
Trong quá trình rèn luyện, phụ huynh có thể gặp tình huống trẻ có hay trì hoãn, không thường xuyên rèn luyện các hoạt động nâng cao tính tự lập, phụ huynh có thể đọc bài viết “Giúp con loại bỏ tính trì hoãn” để tham khảo thêm thông tin.
3. Hướng dẫn rèn luyện tính tự lập cho trẻ mầm non hiệu quả
3.1. Rèn luyện cho trẻ kỹ năng tự chăm sóc bản thân
3.1.1. Trẻ tự thay quần áo
Từ 13 – 15 tháng: phụ huynh có thể bắt đầu hướng dẫn trẻ cách cởi và mặc quần áo. Khi mặc quần, cha mẹ có thể hướng dẫn con ngồi xuống để mặc để thực hiện dễ dàng hơn. Bỏ quần áo bẩn sau khi thay vào rổ/ máy giặt cũng là hoạt động đơn giản để bắt đầu luyện tập tính tự lập và hình thành ý thức vệ sinh, chăm sóc bản thân.
Từ 4 tuổi: trẻ có thể thay quần áo, tự phân biệt, lựa chọn các loại quần áo, vì vậy phụ huynh có thể cho trẻ tự chủ động về trang phục mà không cần người lớn trợ giúp nhiều khi con mới bước vào độ tuổi này.
Nguồn tham khảo: Developmental milestones: self-care – BabyCentre UK
3.1.2. Trẻ tự đi giày
Khi trẻ khoảng 2 tuổi, phụ huynh có thể dạy con tự đi giày dép, bởi lúc này trẻ đã có một số kỹ năng khéo léo, đồng thời đây cũng là hoạt động mà trẻ tiếp xúc hằng ngày nên rất dễ để hình thành thói quen.
Ban đầu, phụ huynh nên cho trẻ thử thao tác với những đôi giày lười, giày sandal, giày bít có quai dán dễ để thực hiện dễ dàng và nhanh chóng. Các bước như: đặt đôi giày theo đúng chiều, xỏ các ngón chân vào trước, sau đó là gót chân… cần được hướng dẫn tỉ mỉ và đúng quy trình để trẻ dễ dàng ghi nhớ và thực hiện các lần sau đó.
Phụ huynh cũng nên thường xuyên nhắc nhở trẻ phải để giày đúng nơi quy định và xếp gọn gàng tại nhà và khi đến trường hay các nơi đông người.
Nguồn tham khảo: Theo Developmental milestones: self-care – BabyCentre UK
3.1.3. Trẻ tự chải tóc
Chải tóc là hoạt động đơn giản mà phụ huynh nên dạy trẻ ở độ tuổi mẫu giáo (từ 3 tuổi) tự thực hiện, đặc biệt là các bé gái, bởi lúc này nhiều bé gái tóc đã dài và cần biết cách chải tóc, buộc gọn gàng để đảm bảo vệ sinh cũng như thuận tiện khi học tập, vui chơi được thoải mái.
- Dùng gương đặt phía sau để bé có thể dễ dàng quan sát, cầm lược đúng cách và thao tác nhẹ nhàng để không làm rối tóc khiến bị đau đầu.
- Dạy trẻ sau khi chải hết tóc, đặt lược ra, gỡ phần tóc rụng ra khỏi răng lược, bỏ vào giấy lót, gấp và bỏ vào thùng rác.
Nguồn tham khảo: Teeth Brushing, Bathing, and Other Self-Care Skills – ConnectCenter
3.1.4. Trẻ tự ăn uống
Từ 18 tháng trẻ đã có thể cầm nắm, sử dụng thìa tốt, vì thế Phụ huynh có thể dạy trẻ sử dụng thìa sớm hơn tùy vào khả năng của trẻ.
- Trước khi dạy trẻ dùng thìa, mẹ và trẻ có thể dùng thìa và bát nhựa để chơi. Cùng chơi trò ăn uống giả vờ như bạn đang xúc thức ăn từ bát rồi đưa vào miệng cho trẻ. Sau đó, giúp trẻ bắt chước những hành động này.
- Cho trẻ ngồi ăn cơm cùng gia đình, bỏ 1 ít thức ăn như rau, thịt vào chén của trẻ và để trẻ tự xúc
- Nên trang trí món ăn bắt mắt, hình các con vật, kích thích sự thèm ăn của trẻ.
Nguồn tham khảo: Developmental milestones: self-care – BabyCentre UK
3.2. Rèn luyện cho trẻ kỹ năng tự giữ gìn vệ sinh
3.2.1. Trẻ biết tự rửa tay
Với trẻ từ khoảng 3 tuổi, phụ huynh có thể dạy trẻ những kiến thức về khoa học đơn giản để hình thành nhận thức và thói quen giữ gìn vệ sinh. Ví dụ như giúp trẻ hiểu bàn tay là nơi phát tán vi khuẩn nhiều nhất trên cơ thể, nếu không rửa tay thường xuyên sẽ dẫn đến nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe.
- Trẻ cần nắm được và ghi nhớ thời điểm cần rửa tay như trước và sau khi ăn, trước khi đi ngủ, sau khi đi vệ sinh, sau khi chạm và vui chơi cùng động vật… để tự giác thực hiện.
- Phụ huynh nên dạy trẻ các thao tác rửa tay theo hướng dẫn quy định của Bộ Y tế. Để loại bỏ vi khuẩn và các vết bẩn tốt nhất cần rửa tay kỹ trong 20 giây (chèn hình ảnh 6 bước)
Nguồn tham khảo: Developmental milestones: self-care – BabyCentre UK
3.2.2. Trẻ tự vệ sinh răng miệng
Phụ huynh cần giải thích cho bé lý do nên vệ sinh răng miệng hằng ngày để bảo vệ răng chắc khỏe và hơi thở thơm tho tự tin giao tiếp, gần gũi với người thân, bạn bè.
Khi trẻ khoảng 16 tháng, phụ huynh có thể bắt đầu tạo lập thói quen tự đánh răng cho trẻ. Phụ huynh có thể từ từ dạy bé đánh răng, chải lưỡi 2 lần/ ngày vào sáng sau khi thức dậy và tối trước khi đi ngủ. Ngoài ra có thể cho trẻ xem 1 số video nhân vật hoạt hình thực hiện hoạt động đánh răng để tăng hứng thú cho trẻ.
3.2.3. Trẻ tự tắm
Trước hết, phụ huynh cần giải thích cho trẻ những điều như da là cơ quan lớn nhất trong cơ thể, bao phủ và bảo vệ tất cả các cơ quan khác khỏi các yếu tố bên ngoài trong khi tiếp xúc với các loại vi sinh vật khác nhau. Sự tích tụ của vi khuẩn trên da có thể gây ra mùi cơ thể, cần giữ cho làn da sạch sẽ để tránh bị bệnh cũng như cơ thể luôn thơm tho. Khi trẻ đã nắm được việc tắm hằng ngày quan trọng như thế nào, trẻ sẽ biết đó là việc cần thực hiện mọi ngày một cách tự giác.
Từ 4 tuổi, hầu hết trẻ em đều có kỹ năng vận động cần thiết để cởi quần áo, gội đầu hoặc tắm rửa cơ thể bằng xà phòng và nước. (Theo When can Children Bathe or Shower Alone? – The Little Dreamers Nursery). Phụ huynh nên dạy trẻ tự tắm tối thiểu 1 lần/ngày, cách làm sạch các bộ phận khác nhau của cơ thể – tay, nách, chân, bàn chân, háng, khớp, lưng, rốn, khuỷu tay, đầu gối,… Lưu ý trẻ tránh để xà phòng và dầu gội rớt vào những vùng như mắt, miệng… dễ gây nguy hiểm.
3.2.4. Trẻ tự đi vệ sinh đúng cách
Phụ huynh nên bắt đầu hướng dẫn trẻ tự vệ sinh bằng bô khi 2 – 2 tuổi rưỡi. Quan trọng là giúp trẻ nhận biết các chất thải vệ sinh và ý thức về việc chúng cần được xử lý đúng cách để tránh vi khuẩn và bệnh tật. Hành động này không chỉ duy trì sức khỏe cá nhân của trẻ mà còn giữ gìn vệ sinh cho môi trường xung quanh, đồng thời tránh gây nguy hại cho người khác.
Để phát triển thói quen tự đi vệ sinh cho con, phụ huynh nên hướng dẫn cách sử dụng bô và giấy vệ sinh một cách thuận tiện nhất. Điều này bao gồm việc giải thích cho trẻ biết nơi đúng để tiểu tiện và cách sử dụng giấy vệ sinh một cách hiệu quả.
Trong quá trình hướng dẫn, việc kiên nhẫn và bình tĩnh là chìa khóa quan trọng để xây dựng thói quen vệ sinh lành mạnh từ khi còn nhỏ.
3.2.5. Trẻ tự vệ sinh khi ho, hắt hơi, xì mũi
Biết tự vệ sinh khi ho, hắt hơi, hoặc xì mũi là việc rất cần thiết mà trẻ cần tự thực hiện. Để hỗ trợ việc này, hãy cung cấp cho bé khăn giấy và dạy cách sử dụng khăn giấy để che miệng và mũi, thay vì sử dụng tay. Phụ huynh nên hướng dẫn trẻ sử dụng một tờ khăn giấy chỉ một lần, sau đó đặt giấy dơ vào thùng rác, không nên vứt lung tung để giữ cho môi trường xung quanh được sạch sẽ và an toàn.
Trong trường hợp khẩn cấp, trẻ có thể dùng tay che miệng, tuy nhiên, sau đó cần rửa tay sạch sẽ để ngăn chặn vi khuẩn và bệnh tật lây lan. Việc này không chỉ bảo vệ sức khỏe của chính mình mà còn giúp ngăn chặn việc lây nhiễm cho người khác trong cộng đồng.
3.3. Rèn luyện cho trẻ kỹ năng tự làm việc nhà
Trong giai đoạn trẻ từ 2 – 4 tuổi, phụ huynh có thể dạy trẻ làm việc nhà vì giai đoạn này trẻ rất thích được nhờ giúp đỡ, vì vậy cha mẹ nên khai thác đặc tính tự nhiên này. Nguồn: When should you start instructing children with housework? | Vinmec
Cha mẹ cần phân công nhiệm vụ cho trẻ phù hợp với năng lực của trẻ và hướng dẫn trẻ thực hiện. Ví dụ: Trẻ có thể giúp mẹ gấp quần áo, xếp đồ dùng, đồ chơi vào đúng nơi quy định, tự bỏ quần áo bẩn vào máy giặt…
Tham khảo: Khi nào nên bắt đầu hướng dẫn trẻ làm việc nhà? | Vinmec.
Trẻ được rèn luyện tính tự lập như thế nào tại mầm non tại Vinschool?
Mầm non Vinschool không chỉ là môi trường giáo dục giúp trẻ phát triển toàn diện về tư duy, các kỹ năng cảm xúc – xã hội mà còn là nơi nuôi dưỡng tinh thần tự lập cho trẻ. Mỗi buổi sáng, trẻ được bắt đầu bằng hoạt động “Trò chuyện đầu ngày”, tập trung vào việc phát triển kỹ năng quan sát, chú ý và khả năng chia sẻ kiến thức cá nhân của trẻ về các chủ đề, các trải nghiệm tự lập. Ngoài ra, các hoạt động tự vệ sinh và sinh hoạt cá nhân được giáo viên hướng dẫn và khuyến khích như thay đồ, gấp chăn, tự chải tóc và tự xúc ăn, giúp trẻ xây dựng những thói quen vệ sinh và tự phục vụ cá nhân, tránh dựa dẫm và ỷ lại.
Tính tự lập của trẻ cũng được thúc đẩy mạnh mẽ thông qua dự án “Vinschool Global Kids Challenge.” Trong hành trình này, trẻ được khích lệ và ủng hộ để hoàn thành nhiệm vụ của mình, với mọi tiến bộ đều được đánh giá và ghi nhận. Điều này giúp trẻ học cách đối mặt với thách thức và tự tin trong việc tự giải quyết vấn đề.
Đồng thời, nhà trường cũng kêu gọi sự đồng hành của phụ huynh trong việc khuyến khích tính tự lập của con mình. Cha mẹ không chỉ đồng hành, mà còn là nguồn động viên, giúp trẻ phát triển những kỹ năng tự lập và tự phục vụ trong cuộc sống hàng ngày. Như vậy, qua môi trường giáo dục và sự hỗ trợ từ gia đình, trẻ em tại Mầm non Vinschool không chỉ học được kiến thức mà còn xây dựng nên lòng tự tin và sự độc lập trong tư duy và hành động của mình.
Kết luận: Qua việc áp dụng các phương pháp rèn luyện tính tự lập cho trẻ mầm non, chúng ta có thể khơi gợi sức mạnh tiềm ẩn, giúp các bé trở thành những người tự tin, sáng tạo và đầy nhiệt huyết, góp phần vào việc xây dựng một xã hội với những thế hệ trẻ đầy năng động và tự tin, sẵn sàng đối mặt với mọi thách thức.